Lịch sử hình thành và phát triển Bắc_Trực_Lệ

Dưới thời nhà Nguyên khu vực này được gọi là Phúc Lý (腹里) do cơ quan Trung Thư Tỉnh trực tiếp quản lý. Đến Hồng Vũ nguyên niên (1368), triều đình nhà Minh trên cơ sở khu vực phúc lý thiết lập các 8 phủ Bắc Bình, Bảo Định, Hà Gian, Chân Định, Thuận Đức, Quảng Bình, Đại Danh và Vĩnh Bình nhập vào Sơn Đông Hành Trung thư tỉnh và Hà Nam Hành Trung thư tỉnh, trong đó 2 phủ Bắc Bình và Vĩnh Bình được nhập vào Sơn Đông, còn lại 6 phủ Bảo Định, Hà Gian, Chân Định, Thuận Đức, Quảng Bình và Đại Danh được nhập vào Hà Nam.

Năm Hồng Vũ thứ 2 (1369), triều đình thiết lập Bắc Bình Hành trung thư tỉnh, đến năm Hồng Vũ thứ 9 (1376) thì thiết lập Bắc Bình Thừa tuyên Bố chính sứ ty.

Kiến Văn nguyên niên (1399), Yên Vương Chu Lệ tạo phản đánh chiếm Bắc Bình Thừa tuyên Bố chính sứ ty, Minh Huệ Đế thiết lập Bình Yên Thừa tuyên bố chính sứ ty gồm 6 phủ Chân Định, Bảo Định, Hà Gian, Thuận Đức, Quảng Bình và Đại Danh, trụ sở đặt tại Chân Định nhằm khống chế lực lượng của Yên Vương.

Vĩnh Lạc nguyên niên (1403), Yên Vương chiếm được Ứng Thiên phủ thiết lập triều đình mới, Bắc Kinh Hành tại được thiết lập quản lý Bắc Bình bố chính sứ ty. Cũng trong năm đó triều đình đổi tên Bắc Bình phủ thành Thuận Thiên phủ. Năm Vĩnh Lạc thứ 19 (1421), triều đình dời đô về Bắc Kinh, phế bỏ Bắc Kinh Hành tại, tất cả phủ, châu đều do Lục Bộ trực tiếp quản lý, chính thức thiết lập Bắc Trực Lệ.

Hồng Hy nguyên niên (1425), triều đình chuẩn bị dời đô về lại Nam Kinh, Bắc Trực Lệ lấy lại tên cũ là Bắc Kinh Hành tại. Tuy nhiên do Minh Nhân Tông mất đột ngột nên kế hoạch bị hoãn, đến năm Chính Thống thứ 6 (1441), triều đình một lần nữa xác định Bắc Kinh làm kinh sư, Bắc Kinh Hành tại lấy lại danh xưng Bắc Trực Lệ, cùng với Nam Trực Lệ duy trì hình thái "lưỡng kinh thập tam tỉnh" đến khi nhà Minh sụp đổ.